Top 5 công nghệ nên học trong năm 2024

Top 5 công nghệ nên học trong năm 2024

Bước vào năm 2024, bức tranh công nghệ số đang tiếp tục phát triển nhanh chóng với tốc độ chưa từng có. Việc cập nhật kiến thức với những xu hướng mới nhất là điều rất quan trọng đối với các những ai yêu thích công nghệ và muốn áp dụng công nghệ để tối ưu hoá cuộc sống.

Trong bài blog này, mình sẽ chia sẻ góc nhìn cá nhân về 5 công nghệ nổi bật mà chúng ta nên tìm hiểu, một số ứng dụng điển hình, lý do chúng ta nên học và một số nguồn tham khảo để bắt đầu.

1. Quantum Computing

Quantum computing (tính toán lượng tử) dựa trên những nguyên lý của cơ học lượng tử để giải quyết nhiều vấn đề vượt ngoài khả năng của máy tính truyền thống. Với nhiều tiến bộ vượt bật gần đây, chúng ta đang tiến rất gần để bước vào kỷ nguyên của tính toán lượng tử. Công nghệ này có khả năng cách mạng hóa các lĩnh vực như mật mã học, điều chế thuốc, và mô phỏng vấn đề phức tạp.

Ví dụ: IBM, một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực tính toán lượng tử, đã bắt đầu cung cấp quyền truy cập đến các máy tính lượng tử của họ thông qua dịch vụ cloud, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu và thử nghiệm. Năm 2023, IBM đã công bố chip lượng tử với hơn 1,000 qubit, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong khả năng tính toán lượng tử. Sau đó, IBM cũng bắt đầu chuyển trọng tâm vào việc nâng cao khả năng chống lỗi của máy tính lượng tử của họ, ưu tiên độ tin cậy và khả năng sử dụng hơn việc chỉ tăng số lượng qubit.

Tại sao chúng ta nên học?

Hiểu biết về tính toán lượng tử giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng kiến thức cho làn sóng đột phá tính toán tiếp theo và cơ hội trong nghiên cứu và phát triển ở tương lai gần. Nhiều lĩnh vực mới nổi được thúc đẩy bởi tính toán lượng tử, như máy học lượng tử (Quantum Machine Learning) và phát triển phần mềm lượng tử đang trở thành những trào lưu mới được đặc biệt quan tâm trong những năm tới.

Muốn học thì bắt đầu từ đâu?

IBM Quantum Learning là một trong những nơi tốt nhất để bắt đầu khi nói đến việc học tính toán lượng tử. Các bạn cũng có thể tham khảo một số nguồn tài nguyên mình đã tổng hợp tại đây.


2. Generative AI

Generative AI (các mô hình AI tạo sinh), điển hình các các công nghệ đang nổi như mô hình GPT-4, đang cách mạng hoá các ngành công nghiệp sáng tạo, kỹ thuật phần mềm, phát triển nội dung số và giải quyết vấn đề nhiều vấn đề khác trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Công nghệ này có khả năng tạo ra nội dung mới, từ văn bản đến hình ảnh, video và âm thanh, dựa trên lượng rất lớn dữ liệu huấn luyện. Nó không chỉ nổi bật trong việc tự động hóa các tác vụ mà còn mang lại nhiều cải tiến đáng kể trong việc tăng cường sự sáng tạo và đổi mới trong nhiều ngành nghề.

Ví dụ: Một ví dụ đáng chú ý là ChatGPT, công cụ này thể hiện mức độ hiểu biết ưu việt trong gần như mọi chủ đề và có thể tạo ra văn bản phản hồi giống như của con người, mở ra những khả năng mới trong dịch vụ khách hàng, tạo lập nội dung và hơn thế nữa. Một ví dụ khác về khả năng của generative AI là DALL·E của OpenAI, một mô hình AI có khả năng tạo ra hình ảnh từ mô tả văn bản. Điều này thể hiện tiềm năng của công nghệ trong lĩnh vực sáng tạo bằng cách cung cấp một công cụ để biến những tưởng tượng sống động thành hình ảnh. Bạn cũng phát hiện rằng DALL·E đã tạo ra tất cả các bức ảnh minh họa trong blog này. Bên cạnh đó, ChatGPT cũng đã hỗ trợ mình trong việc chỉnh sửa và hoàn thiện ý tưởng cho bài blog này.

Tại sao chúng ta nên học?

Việc thành thạo Generative AI là rất quan trọng đối với các bạn đang mong muốn đi đầu trong đổi mới dựa trên AI. Nó mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực phát triển phần mềm, sáng tạo nội dung số, thiết kế sản phẩm, tiếp thị và giải trí, nơi mà việc tạo ra nội dung cá nhân hóa một cách tự động có thể làm thay đổi cuộc chơi. Hơn nữa, việc hiểu biết về Generative AI là thiết yếu để giải quyết và điều chỉnh các vấn đề đạo đức và tác động đối với xã hội liên quan đến nội dung do AI tạo ra.

Muốn học thì bắt đầu từ đâu?

Để tìm hiểu về Generative AI, bạn có thể tham khảo rất nhiều khoá học nổi tiếng trên các nền tảng như Udemy, Coursera, Google Cloud, và edX, với nhiều chủ đề khác nhau từ cơ bản đến nâng cao. Ngoài ra, các nền tảng như OpenAI cũng cung cấp tài liệu chi tiết để bắt đầu với các mô hình của họ, bao gồm GPTDALL·E, giúp người học có thể vận dụng ngay trên các mô hình ứng dụng thực tế.


3. Sustainable Technologies

Sustainable technologies (các công nghệ hướng đến việc phát triển bền vững) bao gồm các giải pháp công nghệ hướng đến giảm thiểu các thách thức về môi trường. Lĩnh vực này bao gồm các chủ đề tiêu biểu như năng lượng tái tạo (renewable energy), các phương pháp tính toán “xanh” (green computing) như điện toán đám mây “xanh” (green cloud computing), và phát triển các vật liệu bền vững (sustainable materials).

Ví dụ: Không chỉ có Tesla, các công ty xe hơi như Nissan, Chevrolet, BMW và thương hiệu mới nổi gần đây của Việt Nam, VinFast, đang mở rộng dòng sản phẩm xe điện (EV) riêng của họ, thể hiện cam kết về phương tiện giao thông “xanh” và không phát thải. Những nhà sản xuất ô tô này đang thúc đẩy sự chuyển đổi của ngành công nghiệp hướng đền sự bền vững bằng cách cung cấp một loạt các xe điện đa dạng giúp giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy di chuyển sạch hơn, bền vững hơn nhằm bảo vệ môi trường sống. Một ví dụ đáng chú ý khác là khái niệm về điện toán đám mây xanh (green cloud computing), tập trung vào việc giảm “dấu chân carbon” (tổng lượng phát thải khí nhà kính đến từ quá trình sản xuất, sử dụng và cuối vòng đời của một sản phẩm hoặc dịch vụ) của các trung tâm dữ liệu. Điều này được thực hiện thông qua các chiến lược khác nhau, bao gồm việc cải thiện hiệu quả năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và thiết kế các trung tâm dữ liệu để giảm thiểu tác động môi trường.

Tại sao chúng ta nên học?

Khi biến đổi khí hậu vẫn là một thách thức toàn cầu quan trọng, trang bị kiến thức về công nghệ bền vững trở nên ngày càng quan trọng trong nhiều ngành, bao gồm năng lượng, công nghệ thông tin và sản xuất. Hiểu biết và áp dụng các phương pháp công nghệ bền vững không chỉ giúp giảm tác động môi trường mà còn đạt được lợi ích kinh tế thông qua cải thiện hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.

Muốn học thì bắt đầu từ đâu?

Các nền tảng như edXCoursera cung cấp một loạt các khóa học về phát triển bền vững, khoa học môi trường và công nghệ xanh từ các trường đại học nổi tiếng trên toàn thế giới. Những khóa học này bao gồm các chủ đề thiết yếu như hệ thống năng lượng bền vững, nguyên tắc của điện toán xanh, và phát triển các vật liệu thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các trang web và tổ chức chuyên biệt về bền vững thường xuyên cung cấp các hội thảo trực tuyến, workshop và các loại chứng chỉ trong các lĩnh vực như điện toán đám mây xanh, cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu về nghiên cứu và thực hành trong chủ đề này.


4. Phygital Convergence

Phygital convergence (mô hình vật lý số hợp nhất) là một thuật ngữ mới nói đến sự kết hợp giữa thế giới vật lý và thế giới số, tạo ra những trải nghiệm ảo tích hợp nhằm nâng cao sự tham gia của người dùng trong môi trường ảo và tối ưu hóa các trải nghiệm tương tự như trong môi trường thực. Xu hướng này đang định nghĩa lại các tương tác trong lĩnh vực bán lẻ, giải trí, giáo dục và hơn thế nữa bằng cách tạo ra môi trường ảo nơi yếu tố số và thực tế tồn tại một cách liền mạch.

Ví dụ: Apple’s Vision Pro ra mắt gần đây là một ví dụ điển hình. Thiết bị này kết hợp giữa thực tế tăng cường (AR) và tương tác thế giới thực, mang lại cho người dùng trải nghiệm độc đáo để chìm đắm trong sự kết hợp của nội dung số với môi trường thực tế. Tương tự, thực tế tăng cường (AR) trong quy hoạch đô thị trình bày các lớp ảo của các toà nhà, dự án được đề xuất lên các địa điểm vật lý, cho phép các bên liên quan hình dung sự thay đổi trong thời gian thực cũng là những ứng dụng nổi bật trong lĩnh vực mới này.

Tại sao chúng ta nên học?

Nắm vững kiến thức trong lĩnh vực mới nổi này là một điều rất quan trọng đối với các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, tiếp thị, quy hoạch đô thị, giải trí và giáo dục. Nó cung cấp các cách thức đổi mới để nâng cao trải nghiệm khách hàng, hiệu quả hoạt động, đem những trải nghiệm mà trước đây chỉ có trong phim khoa học vào đời thực. Khi kỳ vọng của người tiêu dùng thiên về phía những trải nghiệm tương tác và chìm đắm trong môi trường ảo hơn, việc hiểu cách tích hợp công nghệ số với môi trường vật lý trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng.

Muốn học thì bắt đầu từ đâu?

Các bạn có thể tìm hiểu các khoá học về digital transformation, AR, và IoT trên các nền tảng học trực tuyến như Coursera và Udemy. Ngoài ra, nhiều viện và phòng nghiên cứu cũng thường xuyên cung cấp webinar và workshop về tạo ra trải nghiệm phygital convergence trong thời gian gần đây.


5. Cybersecurity

Khi tốc độ của chuyển đổi số nhanh chóng, các mối đe dọa trên môi trường mạng trở nên ngày càng phức tạp. Cybersecurity là việc bảo vệ hệ thống, mạng máy tính và ứng dụng khỏi các cuộc tấn công số nhằm mục đích truy cập trái phép, thay đổi hoặc lấy cắp thông tin nhạy cảm, tống tiền người dùng, hoặc làm gián đoạn quy trình kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp.

Ví dụ: Một ví dụ điển hình trong Cybersecurity thời gian gần đây là việc áp dụng kiến trúc Zero Trust . Phương pháp này hoạt động dưới giả định rằng không có thực thể nào, dù bên trong hay bên ngoài mạng, được mặc nhiên tin tưởng. Việc triển khai mô hình Zero Trust bao gồm việc xác minh danh tính người dùng nghiêm ngặt, thiết lập quyền truy cập tối thiểu vào hệ thống và giám sát liên tục toàn bộ hoạt động mạng, tăng cường khả năng phòng thủ của tổ chức chống lại các mối đe dọa mạng.

Tại sao chúng ta nên học?

Trong kỷ nguyên số ngày nay, tầm quan trọng của cybersecurity ngày càng được đặt là ưu tiên hàng đầu. Với các mối đe dọa mạng ngày càng tinh vi và phổ biến, kỹ năng về các biện pháp an toàn mạng máy tính và bảo mật là thiết yếu để bảo vệ dữ liệu và duy trì tính toàn vẹn của các hệ thống thông tin trong tất cả các ngành nghề khác. Phát triển kỹ năng về cybersecurity giúp chúng ta mở ra một loạt các cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn trong lĩnh vực đang có nhu cầu cao này.

Muốn học thì bắt đầu từ đâu?

Hiện nay có rất nhiều nền tảng giáo dục trực tuyến cung cấp các khóa học về cybersecuriuty từ nguyên tắc cơ bản đến các kỹ thuật nâng cao. Cybrary, HacktheBox, Udacity, và Coursera là một số nguồn đáng tin cậy với các khóa học cybersecurity đa dạng bao gồm các chủ đề về ethical hacking, bảo mật thông tin và phòng thủ. Những khóa học này được thiết kế và giảng dạy bởi các chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành và cung cấp kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành thông qua các dự án và mô phỏng thực tế.


Những công nghệ này từng bước cách mạng thế giới của chúng ta, mang lại những cơ hội thú vị cho những ai sẵn sàng học hỏi những kiến thức mới. Dù mục tiêu của bạn là nâng cao cơ hội trong sự nghiệp tương lai, chuyển sang một lĩnh vực mới, hay khám phá những cách tân mới của công nghệ chỉ vì sự tò mò, việc đào sâu phát triển kiến thức và chuyên môn vào những lĩnh vực này sẽ mang lại rất nhiều giá trị trong thời đại số.

Trong thế giới phẳng này, việc học tập và tìm hiểu về những kiến thức mới đã không còn khó khăn nhờ sự đa dạng và phong phú của các nguồn tài nguyên, khóa học trực tuyến và webinar đến dự án thực hành và diễn đàn cộng đồng. Vấn đề còn lại nằm ở sự chủ động, ham học hỏi và kiên trì của các bạn!

Chúc các bạn thành công!

Tài liệu tham khảo

  1. Five tech trends for 2024 | University of Technology Sydney (uts.edu.au)
  2. The Top 5 Tech Trends In 2024 Everyone Must Be Ready For (forbes.com)
  3. Gartner Top 10 Strategic Technology Trends 2024
Related Posts
Leave a Reply

Your email address will not be published.Required fields are marked *