Chúng ta đang sống trong thời đại mà mỗi ngày có thể bắt gặp và tiêu thụ quá nhiều thông tin tiêu cực. Bên cạnh đó, việc lao động trí óc với nhiều áp lực, tình trạng căng thẳng kéo dài dễ tác động xấu đến cảm xúc và khiến sức khỏe tinh thần dễ bị tổn thương. Nhiều cảm xúc tiêu cực luôn hiện hữu và ảnh hưởng ghê gớm đến sức khỏe tinh thần của chúng ta như sự buồn phiền, lo lắng, thiếu động lực, bi quan, tức giận, thất vọng hay thậm chí là tuyệt vọng. Từng là nạn nhân và từng trải qua cũng như chứng kiến rất nhiều trạng thái tiêu cực, trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ, tâm tư về những kinh nghiệm cá nhân về cách mình đã và đang duy trì thực hành để vượt qua chúng và giữ sức khỏe tinh thần khỏe mạnh. Những chia sẻ này đều là quan điểm mang tính cá nhân, không là khái niệm, sự khẳng định hay mang tính chỉ trích bất kỳ cá nhân nào. Hy vọng sẽ giúp các bạn, đặc biệt là các bạn đã từng hay vẫn đang chìm trong những cảm xúc tiêu cực có thêm nguồn tham khảo để cùng tìm lại được sự an yên và nguồn năng lượng tích cực vốn có của chính mình.
01. Hạn chế đọc tin tức và lướt mạng xã hội để khởi động ngày mới
Nhiều khoảng thời gian mình luôn cảm thấy chán nản, thiếu động lực để tiếp tục cố gắng và rơi vào trạng thái không biết phải bắt đầu từ đâu trong khi biết là đang có rất nhiều việc phải làm. Dần theo thời gian, mình nhận ra một trong những nguyên nhân sâu xa bắt đầu từ một thói quen xấu mỗi sáng sau khi thức dậy: mở điện thoại xem tin tức mới và lướt Facebook để xem thiên hạ và bạn bè có gì mới. Việc xem tin tức sẽ không xấu nếu đó là những tin tích cực, có chiều sâu và hữu ích cho cuộc sống của mình. Tuy nhiên, chúng ta rất dễ nhận ra trên hầu hết các trang báo chí hiện nay lượng thông tin mới đại đa số đều mang tính tiêu cực: cướp, giết, tham nhũng, lừa đảo, tai nạn. Việc lướt newsfeed của Facebook cũng không kém cạnh khi đa phần là quảng cáo, bán hàng, than thở, mỉa mai, châm chọc lẫn nhau hay muôn màu các thể loại “drama”. Mỗi khi bắt gặp một tin tiêu cực, nó có thể tác động rất lớn đến cảm xúc của mình trong thời gian dài, nhiều khi là cả phần còn lại của ngày hôm đó. Khi dung nạp càng nhiều những thể loại tin tức này, mình cảm thấy càng bất an, ám ảnh và lo lắng hơn về sự hỗn loạn của cuộc sống.
Do đó, việc thay đổi cách khởi động ngày mới là một phần quan trọng để giúp mình cải thiện và duy trì sự lạc quan, tích cực. Khi loại bỏ dần thói quen xấu này, đặc biệt vào buổi sáng, mình đã từng bước tìm lại được sự bình an vốn có của bản thân và tập trung vào những điều tích cực hơn.
Thực tế, mình cũng không cực đoan loại bỏ hoàn toàn việc cập nhật tin tức và duy trì kết nối với mạng xã hội. Tuy nhiên, mình chỉ làm việc này sau khi đã hoàn thành những công việc, mục tiêu quan trọng trong ngày và chỉ chọn lọc các nguồn thông tin về những chủ đề mình yêu thích, có chiều sâu và chỉ theo dõi những cập nhật mới từ gia đình và bạn bè, những người bạn “tích cực”. Khi đó, dù có lỡ bắt gặp một thông tin tiêu cực, nó cũng sẽ không gây ảnh hưởng đến tinh thần cũng như hiệu suất làm việc và sẽ sớm hòa tan vào những thứ cần loại bỏ của mình khi kết thúc mỗi ngày.
02. Sử dụng hiệu quả thời gian buổi sáng
Mình là tuýp người hoạt động hiệu quả nhất vào buổi sáng. Do đó, việc chuẩn bị một tinh thần tích cực và dinh dưỡng hợp lý trước khi bắt đầu ngày mới là điều rất cần thiết. Thay thế cho thói quen không lành mạnh kể trên, mình thay vào đó là dành thời gian để luyện tập thiền trong 3-5 phút, sau đó dành thời gian để tận hưởng buổi sáng với các nguồn nội dung tích cực và hữu ích. Như đã chia sẻ trong một bài viết trước, mình thường thích xem các video truyền động lực bằng Tiếng Anh từ Fearless Soul và Be Inspired, nghe sách nói hoặc tóm tắt sách từ Blinkist, Fonos, lắng nghe podcast hoặc các bài học cuộc sống, lối sống tích cực từ các kênh có đầu tư về chiều sâu như Ali Addal, The Present Writer, The Hanoi Chamomile, Web5Ngay (một kênh mình rất “khoái” khoảng thời gian gần đây). Mình thường thay đổi linh hoạt giữa các nguồn thông tin này và kết hợp song song với việc chuẩn bị bữa sáng healthy, chủ yếu với các loại trái cây, hạt, yến mạch và Greek yogurt. Sau đó, mình tiếp tục với việc đi bộ một đoạn ngắn đến trường và tận hưởng không khí trong lành, nghe các bài nhạc yêu thích và ngắm nhìn cuộc sống, cách mọi người xung quanh đang bắt đầu một ngày mới. Một điều tiếp tục mang lại cho mình cảm xúc tích cực nữa là luôn duy trì là một trong những người đầu tiên đến văn phòng, khởi động hệ thống đèn tại khu vực làm việc, thoải mái nghe các giai điệu yêu thích và bắt tay vào làm việc quan trọng đầu tiên trong ngày. Bằng việc duy trì chu trình buổi sáng này, mình có thể nạp đầy năng lượng tinh thần tích cực trong khi đồng thời cải thiện dần sức khỏe thể chất và khởi động một ngày mới hiệu quả – năng suất hơn với tinh thần lạc quan, sảng khoái.
03. Suy nghĩ và lên kế hoạch cho những tình huống xấu nhất
Bất an, lo lắng là cảm xúc phổ biến khi mình đứng trước những quyết định quan trọng hay biết những tin không vui, nguy cơ ảnh hưởng đến bản thân, gia đình. Với tình huống này, mình sẽ cố gắng lấy lại sự bình tĩnh và tập trung viết ra những băn khoăn, thách thức đang có của bản thân. Sau đó, mình sẽ suy nghĩ và viết ra những tình huống xấu nhất có thể xảy ra là gì? Khi nó xảy ra, liệu mình có đủ khả năng để đương đầu hay không? Nếu có, việc đó hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và không có gì phải lo lắng – đa phần là những tình huống này. Nếu không, mình có thể làm gì để giảm thiểu hậu quả ở mức thấp nhất có thể và cứ thế mà cố gắng thực hiện thôi. Mình không thể thay đổi được việc đó thì cứ cố gắng bằng khả năng tốt nhất của bản thân để dù chuyện gì xảy ra, mình cũng sẽ không phải hối tiếc vì mình đã cố gắng hết sức. Đời người chắc chắn sẽ có những biến cố, những sự lo toan, phiền muộn dù có suy nghĩ tích cực thế nào đi nữa. Trải qua nhiều biến cố, mình hoàn toàn ý thức được việc đó và nó càng làm cho mình phải mạnh mẽ, tích cực nhiều hơn. Việc sẵn sàng chấp nhận, chuẩn bị cho bản thân tinh thần và kế hoạch tốt nhất để đối mặt với những tình huống xấu nhất sẽ khiến mình cảm thấy thoải mái và tự tin hơn để vượt qua nỗi sợ và tiếp tục hành trình để sống một cuộc đời trọn vẹn.
04. Xác định rõ mục tiêu và kế hoạch hành động của bản thân
Việc xác định rõ mình thực sự thích gì, muốn gì và nên làm thế nào để đạt được những điều mình muốn một cách rõ ràng là một cách hiệu quả giúp mình tránh được cảm giác lơ mơ, bất định về cuộc sống. Việc xác định được mục tiêu và điều mình thích không phải dễ và cần khá nhiều thời gian. Phương pháp mình đã thực hiện và cũng đã chia sẻ với rất nhiều bạn sinh viên là một khi không biết mình thực sự thích gì thì hãy tìm hiểu, viết ra tất cả những gì mình có thể học, có thể làm và bắt đầu trải nghiệm một cách hăng say nhất. Thay vì đợi người khác chia sẻ, định hướng hay “chọn” hướng đi cụ thể cho mình, cách tốt nhất là tự mình quyết định mục tiêu của bản thân. Khi làm một việc mình cảm thấy vô cùng hứng thú và có thể kiên nhẫn duy trì thực hiện trong một thời gian đủ dài mà không thấy mệt mỏi hay chán nản, đó là thứ mình thực sự thích. Với bản thân mình, đó là nghề giảng viên – nghề mà mình có thể chia sẻ, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm và làm việc với sinh viên về những chủ đề mới mẻ, thực tế. Đây là cách mình có thể cân bằng giữa 2 việc: cho đi và nhận lại – cho đi kiến thức, kinh nghiệm của bản thân và đồng thời nhận lại nguồn cảm hứng tích cực để luôn hoàn thiện, cập nhật kiến thức cho bản thân tốt hơn để trở thành một giảng viên có kiến thức tốt, tâm huyết và uy tín.
Sau khi có mục tiêu cụ thể, việc xác định một kế hoạch hành động thực tế và cụ thể theo mình là quan trọng. Mình đều có kế hoạch dài hạn (20 năm – 10 năm – 5 năm) và kế hoạch ngắn hạn (1 năm – 1 tháng) lẫn kế hoạch hàng tuần và lịch trình mỗi ngày. Với việc cụ thể hóa những gì mình cần làm để theo đuổi ước mơ – mục tiêu của bản thân sẽ khiến bản thân có tính chủ động và nhận thức được việc nên sử dụng thời gian thế nào cho hiệu quả, không lãng phí cho những chuyện bâng quơ. Cuối cùng và quan trọng nhất, khi đã có mục tiêu và kế hoạch sẵn sàng thì việc bắt tay vào làm, hành động là điều mang yếu tố quyết định! Từ những hành động và kết quả của bản thân, mình cũng sẽ có thể “review” và cập nhật lại về những kế hoạch, mục tiêu dài hạn của bản thân để có được một cuộc sống cân bằng – hiệu quả hơn.
05. Dành thời gian tâm sự với bản thân nhiều hơn
Khi cuộc sống càng trở nên bận rộn, chúng ta lại càng có ít thời gian thực sự quan tâm đến bản thân. Với mình, những lúc càng gặp nhiều áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, mình lại càng muốn dành thời gian cho bản thân nhiều hơn. Tự trò chuyện với chính mình, viết ra tất cả những suy nghĩ đang có và những sự kiện khiến mình cảm thấy bất an, lo lắng, mệt mỏi là cách mình vẫn hay áp dụng. Bằng cách viết ra những suy nghĩ của bản thân, mình có thể loại bỏ bớt những phiền muộn, lo lắng, những lý do vu vơ, chẳng đáng và hiểu hơn về tình trạng của bản thân. Hãy tự hỏi bản thân mình đang cảm thấy thế nào, tại sao lại rơi vào những cảm giác tiêu cực đó, mình thực sự đang cần gì để vượt qua? Nghe những bài nhạc hay, ăn những món ngon và lành mạnh, đi dạo công viên, trò chuyện với những người bạn thân hay tự thưởng cho bản thân một thứ gì đó mình từng ao ước, một chuyến du lịch khám phá những địa điểm mới cũng là những cách mình thường thực hiện. Tại sao lại phải cứ giữ trong mình những suy nghĩ tiêu cực, buồn chán và tự hành hạ bản thân để rồi sẽ phải giải quyết hậu quả đến vào một ngày không xa? Tại sao lại phải ghen tị, quan tâm thái quá đến cuộc sống của những người khác trong khi lại không có thời gian để chăm lo cho chính mình? Hãy sống cho chính mình, sống cho khoảnh khắc hiện tại – điều mình luôn tự nhắn nhủ với chính bản thân để có thể có một cuộc đời tích cực, khỏe mạnh.
06. Hy vọng, đừng kỳ vọng
Mình đã từng dành nhiều thời gian để chia sẻ, hỗ trợ và từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào người khác với mong muốn họ sẽ thay đổi theo cách mình nghĩ hay họ cũng sẽ có thể quan tâm và giúp đỡ mình mỗi khi khó khăn. Ngoài ra, mình từng luôn muốn có thể làm hài lòng tất cả mọi người mà mình đã tiếp xúc. Tuy nhiên, càng đặt nhiều kỳ vọng và mong đợi, kết quả mình nhận được lại khiến mình vô cùng thất vọng. Lý do cơ bản là mỗi người đều có cuộc sống riêng, lối suy nghĩ, cách hành động khác biệt và duy nhất. Mình không thể nào thay đổi cách suy nghĩ, hành động của người khác theo cách mình nghĩ và cũng không ai có thể làm điều tương tự với mình. Mình cũng không thể làm hài lòng, vừa ý tất cả mọi người. Ví dụ, mình biết rằng có người sẽ thích, có người sẽ không thích, có người thấy vui, có người thấy chán khi đọc những chia sẻ này. Do đó, mình đã bắt đầu tập thay đổi lối suy nghĩ một cách thoải mái hơn mỗi khi cần chia sẻ với ai khác. Mục tiêu đơn giản của mình là chia sẻ những trải nghiệm cá nhân, hy vọng có thể giúp được các bạn khác có thêm một nguồn trải nghiệm mang tính tham khảo. Tuy nhiên, mình không kỳ vọng tất cả mọi người sẽ thích, ai đó phải làm theo hay áp đặt lối suy nghĩ như của mình.
Việc học hỏi từ kinh nghiệm hay thất bại của người khác là điều đáng quý nhưng đừng là bản sao của bất kỳ ai, dù trong bất kỳ tình huống nào, mình vẫn phải là chính mình. Mình cũng không còn chờ đợi hay kỳ vọng ai đó sẽ đến, mang lại động lực cho bản thân để bắt đầu làm một việc gì đó. Cách tốt nhất với mình vẫn là tự tạo động lực cho bản thân, có kế hoạch, mục tiêu cụ thể và cứ bắt đầu hành động. Không ai có thể mang lại động lực mạnh mẽ và bền bỉ bằng việc tự tạo và duy trì nó từ chính mình!
Đừng trách ai đó đã làm bạn thất vọng,
hãy trách bản thân vì đã kỳ vọng quá nhiều
07. “Bận rộn” để phát triển bản thân và sống cho hiện tại
Khi cảm thấy thiếu động lực và lười biếng, mình lại thường quay lại tự hỏi bản thân về lý do tại sao mình lại bắt đầu cố gắng, suy nghĩ về mục tiêu sống của bản thân là gì, kết quả và hậu quả sẽ xảy ra nếu như mình tiếp tục trì hoãn.
Mình vẫn luôn giữ ý thức cao độ về giá trị của thời gian mà mỗi người đang có. Đó là giá trị mang tính hữu hạn và mình cũng sẽ không dự đoán được điểm kết thúc. Cuộc đời đâu bao lâu để mình tiếp tục lãng phí thời gian cho phiền muộn hay những suy nghĩ vu vơ, những việc làm không có chủ đích để rồi sẽ phải hối tiếc sớm muộn trong tương lai và việc tiếp tục những suy nghĩ tiêu cực, buồn chán chỉ khiến hủy hoại dần bản thân. Vậy tại sao mình lại không bắt tay làm việc gì đó có ích, dù chỉ là rất nhỏ và tận hưởng khoảng thời gian đang đó để sống trọn vẹn với giây phút hiện tại đi?
Cách mình vẫn suy nghĩ là hãy bận để đầu tư, học hỏi thêm các kiến thức, kinh nghiệm mới, bận để làm việc, chăm sóc cho sức khỏe, tinh thần và khiến bản thân không còn thời gian lãng phí cho phiền muộn, lo lắng. Mỗi khi có thời gian rảnh, mình thường tìm gì đó để học: có thể là một khóa học về công nghệ mới, các bài viết về sức khỏe, dinh dưỡng, các sách về phát triển bản thân, hay các cuộc trò chuyện để học tập từ trải nghiệm của người khác. Và khi mình đã bắt tay làm việc gì, học việc gì, hoặc ngay cả khi giải trí, hãy tập trung và làm tốt nhất có thể, đưa ra quyết định dứt khoát hơn, sống trọn vẹn hơn những khoảnh khắc của hiện tại để thời gian trôi qua có ý nghĩa và mình sẽ không thấy hối tiếc khi nhìn lại hành trình cố gắng đã qua. Stay focused, be present!
08. Không sân si, so sánh bản thân với người khác
So sánh bản thân với người khác là một thói quen rất phổ biến của chúng ta trong cuộc sống hiện tại, đặc biệt khi việc tiếp cận thông tin mới từ người khác đã trở nên quá dễ dàng. Mình cũng đã từng có những khoảng thời gian rất chật vật và căng thẳng khi vẫn mang nặng tâm lý so sánh mình với người khác, đặc biệt khi thấy những thành tựu mà người khác, đặc biệt là bạn bè đồng trang lứa đạt được. Mình cũng từng luôn cảm thấy khó chịu và cũng từng tham gia vào những bàn luận mang tính chỉ trích mỗi khi bắt gặp những lời khoe khoang, sự tự cao và đánh giá thấp khả năng của mình và những người xung quanh của người khác. Dần theo thời gian, mình nhận ra rằng thói quen xấu này ngày càng ảnh hưởng lớn đến tinh thần cũng như con đường phát triển của bản thân, tạo ra những hỗn độn trong cuộc sống của mình. Do đó, mình đã duy trì chọn cách dứt khoát dừng việc so sánh bản thân và sân si với những lời ra tiếng vào hay “drama” của những người khác.
Với một lối suy nghĩ khác, người khác thường hay chia sẻ những thành tích và những điều tốt đẹp của họ, ít ai chia sẻ những gian nan mà họ đã trải qua. Nếu không là người trong cuộc, sẽ ít ai biết rằng đằng sau những kết quả, thành tích đó đều là sự đánh đổi, cố gắng, nỗ lực không ngừng vượt qua bao nhiêu gian khó. Trải qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, mình càng trân trọng hơn những cảm xúc vui mừng và tự hào của người khác và thay vì tự ti hay so sánh bản thân với họ, mình lại xem họ là nguồn năng lượng tích cực, cung cấp cho mình thêm động lực để cố gắng nhiều hơn nữa. Càng kết nối và vây quanh bởi các nguồn năng lượng tích cực, loại bỏ những sự sân si, chỉ trích, mình sẽ lại càng có thêm sự lạc quan, yêu đời để tiếp tục sống những ngày trọn vẹn.
09. Thanh lọc các kết nối tiêu cực và kiềm chế sự tức giận
Tức giận là trạng thái tinh thần tiêu cực và phổ biến mỗi khi chúng ta tìm thấy sự bất đồng và mâu thuẫn trong cuộc sống. Mỗi khi tức giận, sức khỏe tinh thần của chúng ta lại bị ảnh hưởng nặng nề. Mình cũng đã từng thường xuyên bực tức, khó chịu trước những sự bất đồng trong quan điểm, trước những lời chỉ trích, miệt thị, hay thái độ xem thường của người khác. Tuy nhiên, mình vẫn thường chọn cách im lặng, kiềm nén và ít khi muốn dẫn đến sự xung đột leo thang. Và mỗi lần im lặng đó, mình lại càng đau khổ và dằn vặt tâm lý nhiều hơn bao giờ hết. Do đó, mình đã quyết định tìm cách thay đổi và loại bỏ nhanh chóng sự tức giận, giữ sự an yên cho bản thân.
Mỗi khi thấy sự bất đồng, mâu thuẫn về quan điểm, mình thường gác lại nỗi tức giận và suy nghĩ lại về chính mình bởi bản thân mình cũng có thể có lỗi, có điểm chưa tốt, chưa suy nghĩ thấu đáo và đa chiều. Mỗi khi thấy người khác tức giận, mình lại càng thấy cảm thông cho họ nhiều hơn bởi sự tức giận chỉ bùng phát khi họ không thể kiềm chế được cảm xúc và không giữ được sự bình tĩnh, họ cũng đã phải đấu tranh tâm lý và căng thẳng cao độ. Khi người khác, đặc biệt là những người thân thiết tức giận về mình, mình vẫn luôn kiềm chế cảm xúc, tạm nhận phần sai sót và chưa hoàn thiện của bản thân để giữ sự hòa khí. Sau đó, mình sẽ dành nhiều thời gian để suy nghĩ kỹ về vấn đề theo nhiều hướng khác nhau, tìm hiểu về quan điểm và lý lẽ của người khác, có thể họ có lý riêng của họ và mình chưa hoàn toàn phân tích vấn đề một cách thấu đáo. Việc xây dựng niềm tin, vun đắp cho một mối quan hệ tốt đẹp luôn mất rất nhiều thời gian và công sức nhưng việc phá vỡ một nó lại quá đơn giản nếu hai bên không đủ sự kiên nhẫn và lòng tin lẫn nhau. Việc có cái nhìn đa chiều, biết kiểm soát cảm xúc đã giúp mình rất nhiều trong việc loại bỏ sự tức giận.
Riêng với những kết nối, mối quan hệ và những thái độ chỉ luôn mang tính tiêu cực, chỉ trích và mình cũng đã dành thời gian để cùng chia sẻ nhưng không hề được tôn trọng thì mình luôn chọn cách ngắt kết nối và tránh xa. Mình có thể im lặng và không quan tâm, ngắt kết nối và chặn sự xuất hiện của họ và dành thời gian suy nghĩ về họ cho những việc khác có ý nghĩa hơn – đời còn lắm việc có ích nên làm, không có thời gian để suy nghĩ những điều vụn vặt. Mình sẽ không oán giận hay bực tức họ bởi họ cũng sẽ có nỗi niềm riêng nhưng cũng không thể phí mãi thời gian và năng lượng để tiếp tục dung nạp vào bản thân những điều tiêu cực. Thời gian và năng lượng của mỗi người chúng ta đều có giới hạn nhất định, do đó mình cần giữ cho thời gian được trôi qua có ích và năng lượng được duy trì một cách tích cực, hiệu quả.
10. Chia sẻ và duy trì những điều tích cực
Muốn có được những người bạn tốt và tích cực thì trước mắt mình phải là một người bạn tốt và tích cực. Việc loại bỏ những yếu tố tiêu cực luôn cần sự song hành của việc thiết lập và duy trì những điều tích cực, những mối quan hệ tích cực. Mình vẫn duy trì việc học hỏi và rèn luyện chính bản thân mình mỗi ngày để có thể tiến bộ, lạc quan và trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động. Mỗi khi học hỏi, tìm hiểu được một kiến thức mới, rút ra được một kinh nghiệm, bài học mới hay tìm thấy một niềm vui mới, mình luôn muốn chia sẻ đến mọi người xung quanh, đặc biệt là những người bạn thân thiết, những người vẫn luôn động viên và chia sẻ với mình mỗi lúc khó khăn.
Việc tiếp nhận và cho đi sự tích cực giúp mình cảm thấy cuộc sống mỗi ngày trở nên ý nghĩa và có giá trị hơn, dù chỉ là những điều rất nhỏ nhặt. Khi nhiều lần rơi vào những trạng thái cảm xúc tiêu cực, mình càng hiểu rằng dù chỉ một lời động viên, một người sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với mình trong phút chốc cũng có thể góp thêm năng lượng để mình có thể vực dậy. Mỗi khi giúp đỡ được một người bạn, một sinh viên nào đó có thể củng cố tinh thần, tiếp chút động lực hay đưa ra những gợi ý, những lời khuyên khi họ cần để vượt qua những lúc khó khăn, mình lại thấy năng lượng tích cực của mình lại trở nên tràn đầy và yêu đời hơn. Những người bạn, những đứa học trò đó giờ lại là những người luôn mang đến sự tích cực, những kinh nghiệm và trải nghiệm sống quý báu cho mình – những mối quan hệ mà mình vẫn luôn trân trọng.
Cuộc sống hiện tại đã vốn dĩ có quá nhiều áp lực, sao chúng ta lại mở lòng để dung nạp thêm nhiều tiêu cực thay vì tìm đến, duy trì và lan tỏa những điều tích cực? Một ngày nào đó, mọi thứ rồi cũng sẽ rời xa – liệu chúng ta đã thực sự sống trọn vẹn một cuộc đời ý nghĩa?
Xin mượn những giai điệu và lời bài hát yêu thích “One Day It Will Be All Over” của channel Fearless Soul để khép lại bài viết này:
Chúc các bạn mọi điều tốt lành!
Be Inspired, Stay Optimistic!